Đã có rất nhiều câu chuyện và lời đồn xung quanh "ngôi nhà ma" 300 Kim Mã, đó là những lời đồn ma mị về những linh hồn oan khuất, đó là những lời đồn về tai nạn khi xây dựng ngôi nhà và cả những lời đồn về khu nghĩa trang trẻ em... Tất cả đã được thêu dệt lên thành những câu chuyện kinh dị và cho rằng đó chính là nguyên nhân không ai dám đến, dám ở và dám thuê lại ngôi nhà dù rằng đó là "khu đất vàng" của Thủ đô.

Vậy những câu chuyện trên có đúng hay không, liệu đó có thật sự là "ngôi nhà ma" kỳ bí... tất cả sẽ có trong loạt bài dưới đây qua những chia sẻ của các chiến sĩ ngày nào xây dựng ngôi nhà, những chia sẻ của người chỉ huy công trình và thậm chí là cả người lính bảo vệ ngôi nhà trong suốt 10 năm trời...

Kỳ 1: Sự thật “ngôi nhà ma” Kim Mã: Những lời đồn xuyên thế kỷ

Dù đã nghỉ hưu, nhưng do đặc thù công việc hiện tại, cũng như việc bố trí thời gian hợp lý nhất, qua nhiều cuộc trao đổi và hẹn qua điện thoại, cuối cùng phóng viên cũng đã gặp được Đại tá Trần Đăng Lâm – nguyên GĐ Công ty xây dựng Thành An 171, thuộc Binh Đoàn 11- Bộ Quốc phòng, người từng là Phó chỉ huy phụ trách về kế hoạch và kỹ thuật công trường xây dựng ngôi nhà số 300 Kim Mã.

Ngay khi mới gặp, chỉ kịp bắt tay làm quen, Đại tá Trần Đăng Lâm với tác phong của người lính đã đi vào thẳng vấn đề: “Hẹn hò lâu lắm, hôm nay mới gặp được, nhưng tôi cũng phải nói thẳng là câu chuyện về ngôi nhà 300 Kim Mã với chúng tôi thì không có gì cả, và tôi cũng không bàn về câu chuyện ma mãnh cũng như những lời đồn đại.

Tôi là một người lính, là người trực tiếp đã làm việc và xây dựng ngôi nhà đó, tôi muốn cho dư luận biết sự thật về nguồn gốc cũng như xây dựng ngôi nhà đó như thế nào. Đồng thời, khi viết phải làm sao cho trung thực nhất để dư luận hiểu một cách khách quan, chứ đừng có giật tít câu view”.

Nghe xong những lời nói của Đại tá Lâm, người viết nhận thấy được, trong suy nghĩ của ông đang rất muốn nói lên sự thật chất chứa bấy lâu nay và nếu người chỉ huy này không nói ra những sự thật đó, thì chắc hẳn bây giờ và về sau ngôi nhà 300 Kim Mã sẽ mãi phủ một màu huyền bí.

Ngôi nhà 300 Kim Mã được hoàn thành năm 1991 chứ không phải những năm 70 như những lời đồn đại trước đó.

Bắt đầu câu chuyện, Đại tá Lâm đặt câu hỏi với phóng viên: "Bạn có biết khu đất đó trước là ai quản lý không? Vừa đặt câu hỏi, Đại tá Lâm trả lời: “Khu đất đó trước là đất quốc phòng, chứ không phải là bãi đất hoang đâu. Đất đó Sư đoàn 361 quản lý và sử dụng, nhưng sau khi được nhà nước quy hoạch thành khu Ngoại giao đoàn (xây dựng các đại sứ quán và khu nhà ở cho người nước ngoài – p/v) thì Sư đoàn 361 mới chuyển về địa địa điểm như hiện nay”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc, vì sao Bulgaria lại có được khu đất đó, Đại tá Lâm cho biết, đó là việc ngoại giao ở cấp nhà nước, và điều này bản thân ông cũng không nắm được. “Mặc dù tôi là 1 trong 4 người đại diện cho phía Việt Nam sang Bulgaria  đàm phán về việc xây dựng ngôi nhà đó, những việc liên quan đến vấn đề ngoại giao trước đó, tôi không nằm được”, chú Lâm nhớ lại.

Theo Đại tá Lâm, năm 1987 bắt đầu tiến hành đàm phán hợp đồng xây dựng, đến năm 1988 hợp đồng được ký kết giữa Binh đoàn 11 (do Thiếu tướng Tô Đa Mãn, Tư lệnh Binh đoàn đại diện – sau này là Phó chủ nhiệm Tổng Cục Hậu cần – Bộ Quốc phòng, nay đã nghỉ hưu). Sau đó, Binh đoàn 11 đã giao nhiệm vụ cho Lữ đoàn 524 thành lập công trường xây dựng, lấy tên là công trường 78001.

“Công trường hạch toán phụ thuộc, có con dấu riêng, mang phân hiệu đơn vị 20179. Khi đó công trường có 3 chỉ huy, đồng chí Thiếu tá Nguyễn Đình Lịch tham mưu Lữ đoàn 524, kiêm chỉ huy trưởng (sau này là Đại tá, Phó tư lệnh Binh đoàn 11 nay đã nghỉ hưu).

Đồng chí Đại úy Nguyễn Hồng Tiến là Phó chỉ huy công trường, kiêm Bí thư Đảng ủy (sau này là Đại tá, PGĐ công ty 394, kiêm bí thư đảng ủy, nay đã nghỉ hưu). Cuối cùng là tôi, khi đó là Thượng úy Trần Đăng Lâm - Phó Chỉ huy công trường, phụ trách Kế hoạch – Kỹ thuật (sau là GĐ Công ty Thành An 171, thuộc Binh Đoàn 11, nay đã nghỉ hưu).

Như vậy, công trường xây dựng ngôi nhà 300 Kim Mã lúc đó có Ban lãnh đạo, có pháp nhân và có tổ chức đảng lãnh đạo”, Đại tá Lâm kể lại.

Không chỉ có những hồi ức về quá trình nhận công trường xây dựng ngôi nhà số 300 Kim Mã, câu chuyện Đại tá Trần Đăng Lâm (1 trong 4 người) đi đàm phán bên Bulgaria để xây dựng nhôi nhà cũng khiến người nghe như quay trở về ký ức của gần 30 năm trước.

Mời quý độc giả đón đọc bài tiếp theo với tiêu đề: Sự thật “ngôi nhà ma” Kim Mã: Đàm phán đổi từng chiếc lốp xe, vào lúc 07 giờ 00 phút ngày 01/06

Let's block ads! (Why?)

Chia Sẻ:
Magpress

Phong Thủy - Đời Sống

Nơi chia sẻ kiến thức về phong thủy, phong thủy đời sống, tử vi, các phong tục, các lễ truyền thống -

Mâm lễ cúng trọn gói

0 Góp ý cho bài viết, Thêm bạn