Phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội sáng 2/11, đại biểu Đinh Thị Phương Khanh (Long An) nói về hạn chế và việc buông lỏng quản lý trong lĩnh vực an toàn thực phẩm nông nghiệp, trong đó nhấn mạnh đến chất cấm Salbutamol và vàng ô.
"Kiểm tra an toàn thực phẩm trong 9 tháng, cơ quan chức năng đã phát hiện 16% mẫu thịt có chất tạo nạc Salbutamol độc hại; 7,6% mẫu thịt dư lượng có chất kháng sinh vượt chuẩn; 10,3% mẫu rau có dư lượng bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép", bà Thanh dẫn chứng và cho biết mới đây Bộ Nông nghiệp còn phát hiện chất vàng ô trong chăn nuôi gia cầm.
Đại biểu Đinh Thị Phương Khanh. |
Salbutamol là chất độc bảng B và chỉ có những công ty có số đăng ký sản phẩm này còn hiệu lực mới được nhập. Việc sử dụng thuốc thành phẩm và nguyên liệu chứa Salbutamol được quy định rất chặt chẽ tại các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực dược. Chất này chỉ bán theo đơn và dùng theo chỉ định của bác sĩ.
"Vậy việc thực phầm tồn dư chất cấm, độc bảng B là do đâu? Có hay không công tác buôn lỏng quản lý", đại biểu Thanh đặt câu hỏi.
Đại biểu này phản ánh, dù được bán theo đơn, người dân vẫn có thể mua loại thuốc thành phẩm trên không mấy khó khăn ở các đại lý thuốc tây với số lượng tùy ý. Người bán thuốc hầu như không quan tâm người dân mua dùng vào mục đích gì.
Với vàng ô (phẩm màu công nghiệp được dùng trong sơn tường, nhuộm vải) chưa phải là chất nghiêm cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi, nhưng cũng không nằm trong danh mục cho phép sử dụng. Tuy nhiên, chất này cũng đang được sử dụng tràn lan trên thị trường và rất dễ mua.
Nhiều mẫu thịt lợn có chất cấm bày bán trên thị trường. Ảnh minh họa: Thi Hà. |
Dẫn quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y nhóm vật nuôi và thức ăn chăn nuôi, phạt từ 5-10 triệu đồng với hộ gia đình và từ 10-20 triệu đồng với trang trại, bà Thanh cho rằng không đủ sức răn đe. "Hành vi xử phạt khi phát hiện chất cấm ở một con cũng như 50 con, 500 con cũng như xử phạt 1.000 con. Mức xử phạt này không đủ sức răn đe, vì số tiền bỏ ra thu lợi nhiều hơn là nộp phạt", bà Thanh nói.
Trong khi đó, việc truy xuất nguồn gốc để xử phạt còn gặp khó khăn, khi người dân, thương lái cùng bắt tay thảo thuận ngầm với nhau, bởi rõ ràng sử dụng chất cấm, lợi nhuận thu lớn hơn rất nhiều.
Trước thực trạng trên, cử tri cho rằng, các cơ quan nhà nước đang bất lực với người kinh doanh - khi họ làm giàu bất chính trên chính sức khỏe của người dân, và họ đặt câu hỏi: "Nguồn gốc các chất này là từ đâu".
Liên quan đến vấn đề trên, đại biểu Đỗ Văn Đương đề nghị Bộ Y tế làm rõ trách nhiệm của người đã nhập khẩu 68 tấn chất tạo nạc và chất cấm trong chăn nuôi. "Phải đấu tranh với chất cấm, chất tạo nạc trong chăn nuôi như đấu tranh với tội phạm ma túy", ông Đương phát biểu.
"Tôi cũng kính đề nghị các bác nông dân vì sức khỏe cộng đồng đừng dùng thuốc diệt chuột, diệt cỏ để tẩm ướp vào rau quả đem ra thị trường. Vì yêu quê hương đất nước thì đừng biến khoai Trung Quốc thành khoai Đà Lạt", ông Đương nói.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương phản ánh tình trạng sử dụng phân bón giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường. Điều này khiến đời sống người dân trở nên khốn đốn. Ông ví von thực trạng này như bệnh vô phương cứu chữa và đang đổ lên vai người dân Việt Nam.
Cũng theo ông Cương, Việt Nam sử dụng quá nhiều loại phân bón với gần 7.000 chủng loại, trong khi các nước khác như Thái Lan sử dụng rất ít.
Hương Thu
0 Góp ý cho bài viết, Thêm bạn