Khám bệnh Online hoàn toàn miễn phí bởi Lương y Nguyễn Hùng
Xem tử vi năm 2015 Ất Mùi cho 12 con Giáp dựa theo ngày sinh !!!
Viêm Amydal là căn bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, bệnh có diễn biến khá phức tạp, dai dẳng, dễ phát triển trở thành mạn tính ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt và sức khỏe của người bệnh đặc biệt là trẻ nhỏ, là một trong những nguyên nhân gây viêm màng khớp, viêm màng tim, viêm cầu thận. Đây là nhóm bệnh lý không thể coi thường, cần được phát hiện, điều trị sớm để tránh gặp phải các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.
Amydal là gì?
Hệ thống tổ chức bạch huyết tạo thành một vòng tròn ở mặt trước của họng gọi là vòng bạch huyết Waldeyer. Vòng waldeyer gồm amydal khẩu cái, amydal vòm (VA – Végétations Adénoides), amydal lưỡi vòi và amydal vòi. Amydal khẩu cái là tổ chức lympho lớn nhất gồm hai khối ở hai thành bên họng và được nằm trong hốc amydal. Ở mặt tự do của amydal có khoảng từ 12 đến 15 khe hốc, các khe ăn lõm sâu vào tổ chức amydal.
Viêm Amydal do đâu?
Viêm amydal có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, nhưng thường gặp nhất là độ tuổi đi học và thường do các nguyên nhân sau:
Nhiễm khuẩn do bị lạnh, tạo điều kiện cho các vi khuẩn và virus có sẵn ở mũi họng gây bệnh hoặc sau các bệnh nhiễm khuẩn lây của đường hô hấp trên như cúm, sởi, ho gà… Vi khuẩn bội nhiễm thường là liên cầu, tụ cầu đặc biệt nguy hiểm là liên cầu tan huyết (nhóm A) mà độc tố của chúng có thể gây viêm màng khớp, màng tim hoặc viêm cầu thận.
Một số trẻ có tổ chức bạch huyết phát triển rất mạnh, nhiều hạch ở cổ, ở họng quá phát rất dễ bị viêm nhiễm, tạo điều kiện thuận lợi cho viêm amydal.
Do cấu trúc amydal có nhiều khe hốc, là nơi vi khuẩn dễ trú ẩn và phát triển, hơn nữa nó nằm trên ngã tư đường ăn – đường thở, là cửa ngõ cơ thể tiếp xúc với môi trường bên ngoài.
Các biểu hiện viêm amydal
Viêm amydal cấp tính với biểu hiện viêm sung huyết và xuất tiết hoặc viêm mủ của amydal khẩu cái, thường do virus hoặc vi khuẩn gây nên. Nếu do virus thường là nhẹ, nếu do vi khuẩn thì nặng hơn, đặc biệt là do liên cầu tan huyết β nhóm A thì càng nặng. Bệnh biểu hiện đột ngột với cảm giác rét và gai rét rồi sốt 38 – 39 độ C, toàn thân có hội chứng nhiễm khuẩn, người mệt mỏi, nhức đầu, chán ăn, nước tiểu đỏ, có cảm giác khô rát và nóng ở họng , ở vị trí amydal, nuốt đau, nuốt vướng, sau ít giờ biến thành đau họng, đau nhói lên tai, đau tăng lên khi nuốt và khi ho, thở khò khè, ngáy to khi ngủ. Viêm nhiễm có thể lan xuống thanh, khí, phế quản gây nên ho từng cơn có đờm nhầy, khàn tiếng và đau tức ngực, lưỡi trắng bẩn, miệng khô. Nếu là do virus thì toàn bộ niêm mạc họng đỏ rực và xuất tiết nhiều dịch trong, amydal sưng to và đỏ, các tổ chức bạch huyết thành sau họng cũng sưng to và đỏ, có thể kèm theo các triệu chứng khác như chảy mũi, ho, khàn tiếng, viêm kết mạc và thường không có hạch dưới góc hàm. Nếu do vi khuẩn thì thấy amydal sưng to và đỏ, trên bề mặt có những chấm mủ trắng hoặc mảng bựa trắng và thường có hạch dưới góc hàm sưng đau. Cần phân biệt thể này với bệnh hạch hầu bằng các test soi tươi giả mạc, cấy vi khuẩn.
Viêm amydal mạn tính là hiện tượng viêm tái đi tái lại nhiều lần, thường có biểu hiện nghèo nàn, có khi không biểu hiện gì ngoài những đợt tái phát cấp tính. Người bệnh có thể có tình trạng gầy yếu, da xanh hay sốt vặt, có cảm giác ngứa vướng và rát trong họng, nuốt vướng, thỉnh thoảng phải khạc nhổ do xuất tiết, hơi thở hôi do chất mủ chứa trong các hốc của amydal, ho khan từng cơn nhất là về buổi sáng lúc mới ngủ dậy, giọng nói mất trong, thỉnh thoảng khàn nhẹ. Quá trình viêm có thể có sự phản ứng của cơ thể làm amydal to ra gọi là viêm amydal thể quá phát. Thể bệnh này thường gặp ở trẻ em, hai amydal to như hai hạt hạnh nhân ở hai bên thành họng, vượt qua hai trụ trước và sau, có khi gần chạm vào nhau ở đường giữa, niêm mạc họng đỏ nhẹ, trụ trước đỏ sẫm, trong các hốc có khi có ít mủ trắng. Viêm mạn tính quá phát có thể gây tình trạng cản trở ăn uống, thở khò khè, khó thở, đêm ngủ ngáy to, và đặc biệt có thể gây nên hội chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ nhỏ.
Ở những người lớn tuổi, quá trình viêm nhiễm tái phát nhiều lần sẽ làm amydal xơ teo đi, thể tích thu nhỏ, bề mặt không nhẵn mà gồ ghề, lỗ chỗ, chằng chịt những xơ trắng, nhiều khi bề mặt amydal có những chấm mủ nhỏ, trụ trước, trụ sau dày và đỏ sẫm, amydal thường rất rắn, mất tính mềm mại, ấn vào có thể thấy mủ phòi ra từ các hốc. Lúc này amydal biến thành nơi chứa đựng vi khuẩn, từ đấy gây ra các biến chứng khác.
Điều trị như thế nào?
Với viêm amydal mạn tính thường có chỉ định điều trị bằng điều chỉnh độ pH tại chỗ để chuyển môi trường của lông chuyển niêm mạc họng về môi trường kiềm (độ pH < 7), làm cho vi khuẩn không phát triển và bị tiêu diệt. Trong một số trường hợp bệnh viêm amydal mạn tính không đáp ứng với thuốc điều trị thì sẽ được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ amydal để điều một cách dứt điểm nhanh nhất có thể. Cắt amydal là phương pháp điều trị được chỉ định nhằm lọai bỏ tổ chức amydal đã không còn vai trò miễn dịch và trở thành một ổ viêm chứa đầy các lọai vi khuẩn hoặc quá phát bít tắc đường hô hấp trên hoặc nghi ngờ phát triển thành ác tính. Ngày nay, phẫu thuật chỉ được chỉ định nếu như các phương pháp điều trị khác không hiệu quả. Chỉ nên cắt amydal trong các trường hợp viêm mạn tính có nhiều hơn 4 đợt tái phát trong 1 năm; Viêm amydal mạn tính kéo dài đã được điều trị nội khoa tích cực trong vòng 4 – 6 tuần bệnh nhân vẫn đau họng, viêm hạch cổ , hơi thở hôi; Ápxe quanh amydal ít nhất đã một lần phải nhập viện điều trị; Viêm amydal gây biến chứng sốt thấp khớp, viêm cầu thận hoặc gây viêm tai giữa, viêm xoang… tái đi tái lại nhiều lần; Amydal quá phát bít tắc đường hô hấp trên gây ngủ ngáy, ngủ không yên giấc, có những cơn ngưng thở trong lúc ngủ, bất thường về phát âm, khó nuốt, chậm phát triển thể chất; Amydal chỉ to một bên kèm sưng hạch cổ cùng bên nghi ngờ ung thư amydal. Có thể cắt amydal ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng thường sau 4 tuổi, tuy nhiên có trường hợp trẻ nhỏ hơn vẫn phải cắt khi amydal quá to gây những cơn ngưng thở trong lúc ngủ hoặc gây biến chứng.
Biện pháp phòng bệnh
Phòng bệnh bằng cách nâng cao thể trạng nâng cao sức đề kháng của cơ thể và cơ địa của bệnh nhân bằng rèn luyện thân thể, dinh dưỡng hợp lý, tránh bị nhiễm lạnh, phải chú ý giữ ấm vùng mũi họng, tránh môi trường sống ô nhiễm, tránh dùng những thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh, vệ sinh tốt mũi-họng-răng-miệng, súc miệng bằng nước muối pha loãng (dung dịch nước muối 0,9%). Đặc biệt chú ý phòng tránh nhiễm bệnh khi có những vụ dịch cúm, sởi, ho gà.
Theo Suckhoedoisong
Liên Quan Khác
Cùng Chuyên Mục
Nỗi lo ung thư phần phụ của phụ nữ
Chế độ ăn uống sai lầm của người bệnh tiểu đường
Cẩn trọng bệnh tăng huyết áp
Các thuốc điều trị bệnh viêm nướu răng
Phòng ngừa bệnh đau nửa đầu
Nhận biết bệnh khô âm đạo ở phụ nữ
Bình Luận Facebook
bình luận
0 Góp ý cho bài viết, Thêm bạn