Bé nhà tôi được 6 tháng tuổi, từ lúc sinh ra 1 bên má của bé ửng lên vết bớt đỏ. Mọi người mách lấy lưng tôm bóc vỏ chà xát lên là hết nhưng tôi không nghe theo. Hiện giờ vết bớt đỏ này rất rõ. Vậy xin bác sĩ tư vấn giúp cách điều trị.
Lê Hải (Hải Dương)
Bớt có thể phẳng lì hoặc lồi, mép bớt có thể bình thường hoặc bất thường, và có nhiều màu khác nhau từ màu nâu, nâu sạm (nâu cam), đen, hoặc xanh nhạt đến màu hồng, đỏ, hoặc tím. Có hai loại bớt chính đó là bớt mạch máu (chẳng hạn như u mạch máu, bớt rượu vang đỏ, bớt “cò mổ”) và bớt sắc tố (nốt ruồi, bớt cà phê sữa, bớt Mông Cổ).
Khi trẻ bị bớt da cần đến cơ sở y tế để được tư vấn cụ thể.
Dựa vào nguyên nhân hình thành mà người ta có thể phân biệt được hai loại bớt chính: Bớt mạch máu xảy ra khi các mạch máu tạo ra không đúng, hoặc có quá nhiều mạch máu hoặc các mạch máu to hơn mức bình thường; Bớt sắc tố do các tế bào hình thành sắc tố trên da phát triển quá mức gây ra.
Để điều trị bớt nhất thiết phải đưa bệnh nhân tới bác sĩ để được khám, đánh giá xem bớt thuộc loại nào và cần phải có chế độ theo dõi và phương pháp điều trị phù hợp. Trong một số trường hợp có thể sử dụng laze để can thiệp. Bạn nên lưu ý, nếu thấy bớt bị xuất huyết, bị đau, ngứa, hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng thì bắt buộc phải đưa tới bác sĩ ngay. Bởi lẽ, các vết loét hở đôi khi là do u mạch máu gây ra và có thể bị nhiễm trùng. Bớt sắc tố hiếm khi gây ra các vấn đề khác, mặc dù các nốt ruồi tồn tại suốt cuộc đời nhưng cũng nên kiểm tra về thay đổi kích thước, màu sắc, bề mặt... để phát hiện dấu hiệu bất thường và chữa trị kịp thời.
Hầu hết các vết bớt đều không có hại gì và thậm chí nhiều vết bớt cũng có thể tự hết hoặc teo nhỏ lại theo thời gian. Tuy nhiên, cũng có một số vết bớt liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác, vì vậy chị nên đưa con tới bác sĩ để khám xem liệu con mình có thuộc trường hợp đó hay không nhé.
Bác sĩ Quang Trung
0 Góp ý cho bài viết, Thêm bạn