Trao đổi với VnExpressGiáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học - Lịch sử Việt Nam, thành viên của dòng họ Phan Huy cho hay, có biết tin ông Ban Ki-moon về thăm nhà thờ Phan Huy Chú ở Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Nội) nhưng không có mặt ở đó. Ông rất buồn vì việc nhiều người hoài nghi thủ bút để lại có phải là của vị Tổng thư ký Liên Hợp Quốc hay không. Ông khẳng định thủ bút cũng như ảnh chụp chuyến viếng thăm là hoàn toàn xác thực.

gs-phan-huy-le-khong-the-suy-dien-chuyen-tham-cua-ong-ban-ki-moon

GS. Phan Huy Lê là một thành viên của dòng họ Phan Huy. Ảnh: HL.

"Ông ấy đi thăm nhà thờ họ Phan Huy với tư cách cá nhân, là việc riêng, không phải với tư cách ngoại giao hay trong chương trình làm việc những ngày ở Việt Nam của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc. Do vậy tôi nghĩ nên tôn trọng đời tư của mọi người và không nên đưa ra bình luận quá nhiều", giáo sư nói.

Theo nhà sử học, với cương vị người đứng đầu Liên Hợp Quốc, ông Ban Ki-moon chắc hẳn phải cân nhắc rất cẩn thận những việc mình làm. Ông bất ngờ về thăm nhà thờ Phan Huy hẳn phải có lý do. 

"Hơn nữa, ông ấy còn nói là hậu duệ của cụ Phan Huy Chú và khi đọc gia phả họ Phan Huy đã chú ý tìm hiểu tên "Chú" viết chữ Hán. Việc ông công khai để lại thủ bút lưu niệm, trong đó ghi rõ "là một người con của dòng họ Phan" thì chắc hẳn phải có căn cứ", giáo sư nói và cho rằng, căn cứ đó là gì thì đến giờ chưa được công bố, chưa ai biết, không nên suy đoán mà chỉ nên ghi nhận chuyến thăm của ông Ban Ki-moon. Cho đến nay, giáo sư Phan Huy Lê cũng chưa thấy có tư liệu nào trong gia phả hay sử sách để giải thích mối quan hệ giữa ông Ban Ki-moon với dòng họ Phan Huy.

Trả lời câu hỏi liệu có một nhánh nào của dòng họ lưu lạc ở nước ngoài mà sử sách, gia phả không ghi chép hay không, giáo sư Lê cho rằng việc này rất khó xác định và cần phải có thời gian phát hiện, thu thập và giám định tư liệu từ hai phía.

Ông dẫn chứng, chẳng hạn ở Hàn Quốc, để xác định thông tin về hai dòng họ Lý gốc Việt (họ Lý Hoa Sơn và họ Lý Tinh Thiện), con cháu dòng họ và các chuyên gia đã phải dày công sưu tầm tư liệu và tổ chức hội thảo mới có căn cứ. Tư liệu của hai dòng họ Lý gốc Việt này hoàn toàn không có ở Việt Nam mà nằm ở phía Hàn Quốc. 

gs-phan-huy-le-khong-the-suy-dien-chuyen-tham-cua-ong-ban-ki-moon-1

Thủ bút của ông Ban Ki-moon ghi lại trên sổ lưu niệm của dòng họ Phan. Ảnh: Phương Hòa.

Với sự kính trọng vị Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Giáo sư Phan Huy Lê đã gửi tặng ông Ban Ki-moon bộ bách khoa toàn thư Lịch triều hiến chương loại chí và tập du ký Hải trình chí lược của nhà bác học Phan Huy Chú, kèm theo cuốn gia phả của dòng họ Phan Huy. Những cuốn sách này đều có phần chữ Hán mà theo giáo sư được biết, ông Ban đều đọc chữ Hán, tiếng Anh, tiếng Pháp rất thành thạo.

Ông Phan Huy Huân, trưởng dòng họ Phan Huy ở Sài Sơn cho biết, lý do dòng tộc không thông tin dù sự việc đã diễn ra gần nửa năm trước bởi đó là chuyến đi riêng của ông Ban Ki-moon nên cần tôn trọng. Ông Huân đích thân chọn người trong họ để tiếp đón vợ chồng ông Tổng thư ký. Chuyến thăm rất giản dị, không có "tiền hô hậu ủng". Ông Ban Ki-moon còn nhờ người trong đoàn sắm trước một lễ nhỏ như người Việt Nam vẫn hay sắm sửa để thắp hương ở nhà thờ Phan Huy Chú.

gs-phan-huy-le-khong-the-suy-dien-chuyen-tham-cua-ong-ban-ki-moon-2

Ông Phan Huy Huân, trưởng dòng họ Phan Huy ở Sài Sơn. Ảnh: Phương Hòa.

"Ông ấy đi hết sức bí mật, tôi có Facebook nhưng cũng không dám đưa lên vì nhiều người lại bảo "thấy người sang bắt quàng làm họ". Bao giờ có gia phả đầy đủ, tài liệu đối chiếu hai bên để xác minh thì mới có thể thông tin rõ ràng. Đến lúc đó có phấn khởi, vui mừng cũng chưa muộn", ông Huân nói và thông tin thêm, hiện giáo sư Phan Huy Lê đang nhờ đồng nghiệp Hàn Quốc tìm hiểu gia phả của ông Ban Ki-moon, rồi đối chiếu hai dòng họ để xác minh.

"Dù ông Ban Ki-moon về thăm nhà thờ với lý do gì đi nữa thì người trong dòng họ chúng tôi vẫn rất trân trọng. Nếu quả thực ông là hậu duệ cụ Phan Huy Chú, có mối liên hệ với dòng họ Phan thì đó cũng là điều đáng quý, là bài học cho thế hệ sau nhìn vào mà phấn đấu", ông nói.

Vị trưởng họ cho hay, theo gia phả họ Phan ghi chép lại thì dòng họ không có chi, nhánh hay lưu lạc sang Hàn Quốc. Ông Phan Huy Chú (1782 - 1840) làm quan dưới thời Nguyễn có 2 lần đi sứ Trung Quốc vào những năm 1824 và 1831, một lần đi sứ  Batavia (Jakarta, Indonesia) nhưng chưa thấy tài liệu nào ghi chép về việc ông có mối liên hệ với Triều Tiên thời ấy.

Trước đó vào chiều 23/5, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cùng phu nhân về thăm nhà thờ Phan Huy Chú ở xã Sài Sơn (Quốc Oai). Chuyến đi diễn ra bí mật, không nằm trong chương trình thăm chính thức Việt Nam trong hai ngày 22 và 23/5 của ông.

Trả lời VnExpress, người phát ngôn của Tổng thư ký, ông Stephane Dujarric xác nhận chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 5 tới nhà thờ Phan Huy Chú của ông Ban Ki-moon nhưng "với tính chất hoàn toàn cá nhân".

Trong 45 phút lưu lại đây, ông đã dâng hương, viết lưu bút, thân thiện bắt tay với các thành viên trong dòng họ Phan Huy. Bản lưu bút viết tay của ông được dịch ra với nội dung: "Tôi rất xúc động khi viếng thăm và tỏ lòng thành kính sâu sắc trước ngôi nhà thờ Phan Huy Chú và các thành viên khác của dòng họ Phan. Cám ơn dòng họ đã giữ gìn và bảo quản ngôi nhà thờ này. Là một người con của dòng họ Phan, giờ đây giữ chức Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, tôi tự hứa với bản thân sẽ cố gắng làm theo những lời dạy của tổ tiên" - Ban Ki-moon (Phan Cơ Văn), Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.

Nhà bác học Phan Huy Chú là con trai thứ ba của Tiến sĩ Thượng thư Phan Huy Ích. Thời trẻ, ông cùng với Ngô Thế Mỹ (sau là tri phủ Lạng Giang), người làng La Khê (Hà Đông) đều có tiếng hay chữ. Bấy giờ dân gian thường khen "Sáu La, Ba Thày" (Ông là con thứ ba và Sài Sơn khi ấy được gọi là làng Thày).

Ông đỗ tú tài hai khoa Đinh Mão (1807) và Kỷ Mão (1819). Sau ông được bổ vào chức Hàn lâm Biên tu, rồi giữ các chức Phủ thừa Phủ Thừa Thiên, Hiệp trấn tỉnh Quảng Nam, Tư vụ bộ Công. Ông vốn tính cương trực, không màng danh lợi nên bị ghen ghét. Theo gia phả dòng họ Phan ghi lại thì ông Phan Huy Chú có 5 con trai và 1 con gái.

Phan Huy Chú cùng thời với Lê Quý Đôn, là hai nhà bác học trong lịch sử trung đại Việt Nam. Ông có các tác phẩm tiêu biểu, như: Lịch triều hiến chương loại chí (Bách khoa toàn thư đầu tiên của Việt Nam), Hoa thiều ngâm lục (tập thơ đi sứ sang Trung Quốc), Hải trình chí lược (ghi chép những điều trông thấy ở Batavia)...

Phương Hòa

Chia Sẻ:
Magpress

Phong Thủy - Đời Sống

Nơi chia sẻ kiến thức về phong thủy, phong thủy đời sống, tử vi, các phong tục, các lễ truyền thống -

Mâm lễ cúng trọn gói

0 Góp ý cho bài viết, Thêm bạn