Đôi mắt đầy vẻ mệt mỏi sau 4 ngày tìm kiếm nạn nhân tàu Hoàng Phúc 18 nhưng sáng 2/11 ông Phạm Văn Thu (43 tuổi, ngụ huyện Cần Giờ, TP HCM) tiếp tục cùng tàu kiểm ngư ra biển tìm người mất tích. "Đi cho đến khi thấy được hết mọi người mới thôi", ông Thu nói.

nguoi-phat-hien-tin-hieu-cau-cuu-trong-tau-hoang-phuc-18

Ông Thu (trái) đầy vẻ nôn nóng gọi điện cho nhóm ngư dân cứu người. Ảnh: Hải Hiếu

Khi tàu Hoàng Phúc 18 bị nạn tại phao số 5 luồng Soài Rạp (Cần Giờ, TP HCM) đêm 30/10, tàu của ông Thu đang đánh bắt cách đó một hải lý. Thấy ánh đèn pin vẫy liên tục, ông biết có người gặp nạn nên chạy đến. Họ là thuyền viên tàu Hoàng Phúc vừa được chiếc sà lan cứu vớt. Nghe nói còn nhiều người mất tích, ông Thu hối 2 thuyền viên lên tàu cá của mình, chỉ đường đến hiện trường tìm kiếm.

Người đàn ông dày dạn sương gió tăng tốc, rảo nhiều vòng quanh con tàu lật úp suốt 3 giờ trong sóng to, gió lớn nhưng không phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào của nạn nhân. Ông Thu đành chở hai thuyền viên thoát chết về đồn biên phòng Cần Giờ để họ ăn uống, lấy sức. Không nghỉ ngơi, ông Thu nhảy lên tàu của bộ đội biên phòng ra biển vì chỉ có ông mới rõ vị trí Hoàng Phúc 18 gặp nạn. 

Sáng hôm sau, ông được mọi người tin tưởng giao trọng trách làm tài công tàu kiểm ngư chở hơn 30 người đi cứu nạn. Ngồi trên ghế lái, ông nhìn con sóng, đánh vôlăng cho con tàu đi qua các luồng rạch của biển Cần Giờ - vốn được xem là vùng biển nguy hiểm với nhiều cồn bãi, tàu rất dễ mắc cạn hoặc va vào đá ngầm. Với kinh nghiệm hơn 20 năm bám trụ vùng biển này nên ông thuộc các luồng như trong lòng bàn tay.

Tàu kiểm ngư đến hiện trường nhưng không thể cập mạn vì sóng lớn. Ông Thu vẫy ghe ngư dân đánh bắt gần đó, nhờ hỗ trợ để leo lên phần đáy tàu bị nạn đang nổi trên mặt nước. Ghe cá vừa va vào tàu bị lật úp, bên trong phát ra những tiếng động, dấu hiệu người mắc kẹt cầu cứu. "Tôi nửa tin nửa ngờ gõ lại mấy lần, bên trong gõ lại dồn dập hơn. Biết có người còn sống, tôi mừng đến run người", ông Thu kể.

nguoi-phat-hien-tin-hieu-cau-cuu-trong-tau-hoang-phuc-18-1

Ghe cá vừa chạm vào tàu Hoàng Phúc 18 thì nghe tiếng gõ phát ra liên tục từ bên trong. Ảnh: Hải Hiếu

Sau vài giờ ngụp lặn nhưng lực lượng cứu hộ của Cảnh sát PCCC TP HCM và tàu SAR 413 (thuộc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực III) không thể vào trong tàu Hoàng Phúc 18 cứu người do bình hơi không đủ khí.

Ông Lê Thành Quân, Chỉ huy tàu kiểm ngư đi cứu nạn, bàn với ông Thu phương án tìm thợ lặn sò, ngọc trai - những người có thể đeo ống thở nằm sâu dưới nước khoảng nửa ngày. Ông Thu gọi điện nhiều cuộc và nhờ được nhóm thợ lặn 7 người ở Tiền Giang, họ có thể chịu áp suất cao dưới nước trong thời gian dài. "Ngồi trên tàu kiểm ngư chờ thợ lặn, thấy lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp chạy lòng vòng quanh tàu bị nạn mà không có cách nào vào trong cứu người, ruột gan tôi như thắt lại", ông Thu bộc bạch.

Một giờ sau, lặn hơi đầu tiên trong 15 phút, anh Nguyễn Minh Luân (quê Kiên Giang) mở được cửa vào trong cứu anh Nguyễn Trung Tường (quê Hà Tĩnh). Sau nhiều lần thay phiên nhau mò tìm, anh Luân và các đồng nghiệp báo không thể tìm được nữa vì sóng biển lúc này đã quá to, nước đục và cũng tìm gần hết các khoang. Lực lượng chức năng quyết định rời đáy tàu Hoàng Phúc 18 để đảm bảo an toàn.

"Ai cũng lo, buồn lắm, nhỡ còn nạn nhân còn kẹt trong đấy, họ đang chờ được cứu. Nhưng mọi người không thể làm được gì", ông Thu nói.

nguoi-phat-hien-tin-hieu-cau-cuu-trong-tau-hoang-phuc-18-2

Ông Thu (trái) hướng dẫn thợ lặn Nguyễn Minh Luân vị trí tìm người. Ảnh: Hải Hiếu

Trong hàng chục năm đi biển, người đàn ông da đen nhẻm này không nhớ đã bao nhiêu lần tham gia cứu được người gặp nạn. "Nhưng lần này có lẽ đáng nhớ nhất bởi nạn nhân được cứu sau khi kẹt trong con tàu bị úp suốt 15 tiếng, đúng là may mắn", ông Thu cười.

Cũng là người Cần Giờ, Chỉ huy tàu kiểm ngư Lê Thành Quân biết rất rõ ông Thu. Ngư dân này sẵn sàng bỏ chuyến đi biển có thể kiếm gần trăm triệu đồng chỉ để đi cứu người gặp nạn. "Năm trước ảnh cũng tham gia tìm kiếm, cứu một người trong vụ chìm ghe cá ở Tiền Giang và được Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ tặng bằng khen", ông Quân cho hay.

Sau khi cứu được thuyền viên Tường, ông Thu và nhóm thợ lặn được Cục Hàng hải Việt Nam thưởng 5 triệu đồng. Nhóm các thuyền viên sống sót trong vụ chìm tàu cũng tìm đến nhà ông để nói lời cảm ơn nhưng không gặp.

"Ổng đi từ tối qua đến giờ chưa về. Ổng hay cứu người, có nhiều người đem quà đến cảm ơn nhưng vợ chồng tôi không lấy. Đã cứu người thì chúng tôi không màng gì đến chuyện ơn nghĩa đâu", vợ ông Thu nói.

Hoàng Phúc 18 tải trọng 2.000 tấn chở hàng xuất phát hôm 28/10 từ cảng ở huyện Long Thành (Đồng Nai). Gặp sóng lớn, thuyền trưởng quyết định quay lại neo đậu ở phao số 5 trên luồng Soài Rạp (TP HCM) tối 30/10. Khi 17 thuyền viên chuẩn bị đi ngủ thì sóng to đánh mạnh vào tàu, hàng hóa bị đẩy về mạn phải khiến tàu nghiêng dần rồi lập úp.

12 thuyền viên may mắn được sà làn gần đó cứu sống. Một người được các thợ lặn cứu thoát sau 15 giờ kẹt trong khoang hàng. Hai thi thể đã được tìm thấy trên biển sáng hôm qua. Hiện, lực lượng chức năng vẫn nỗ lực tìm hai thuyền viên còn lại trước khi trục vớt tàu bị nạn.

Hải Hiếu

Chia Sẻ:
Magpress

Phong Thủy - Đời Sống

Nơi chia sẻ kiến thức về phong thủy, phong thủy đời sống, tử vi, các phong tục, các lễ truyền thống -

Mâm lễ cúng trọn gói

0 Góp ý cho bài viết, Thêm bạn