Tháng trước, UBND tỉnh Nghệ An và Hội đồng chuyên môn đã họp và thống nhất chọn phương án thiết kế xây dựng Trung tâm hành chính tập trung với tổng khái toán dự kiến hơn là hơn 2.100 tỷ đồng. Công trình gồm hai tòa tháp cao 27 tầng, cao 106 m (trong đó có một tầng hầm), gắn kết qua cầu nối ở tầng 21-22, đủ chỗ làm việc cho 1.700 người.
Công trình được đánh giá là có thiết kế đặc biệt, không giống bất cứ tòa nhà nào ở Việt Nam, tọa lạc trên khu đất quy hoạch rộng hơn 52.000 m2. Trong đó diện tích xây dựng là hơn 10.000 m2, nằm sát bùng binh Đại lộ Lê Nin và đường Lê Hồng Phong (trung tâm thành phố Vinh). Ngoài khối tháp đôi, công trình còn nhiều hạng mục như khối tiếp dân, hành chính văn phòng, hội trường, cây xanh, mặt nước...
Hồi tháng 4, Chính phủ cũng đồng ý về nguyên tắc áp dụng hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT), không sử dụng vốn ngân sách nhà nước để thực hiện Dự án Khu hành chính tập trung tỉnh Hải Dương. Theo đó, Khu hành chính tập trung này rộng hơn 19 ha tại khu đô thị mới phía đông thành phố với tổng mức đầu tư khoảng 2.060 tỷ đồng. Đây sẽ là nơi làm việc tập trung của 19 cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền của tỉnh.
Riêng tại TP HCM - Trung tâm văn hóa, kinh tế và là đô thị lớn nhất nước - đang trong quá trình chọn phương án xây dựng trung tâm hành chính. Mới đây, UBND thành phố đã thống nhất với ý kiến các chuyên gia chọn phương án của một công ty thiết kế Nhật Bản. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị liên quan sớm hoàn tất thiết kế đồ án hoàn chỉnh để UBND thành phố trình Thành ủy.
Rộng 18.000 m2 giới hạn bởi 4 tuyến đường Lê Thánh Tôn - Pasteur - Lý Tự Trọng - Đồng Khởi, Trung tâm hành chính TP HCM trong tương lai sẽ là nơi làm việc của 8 cơ quan nhà nước với 90 phòng ban trực thuộc gồm khoảng 1.700 người. Điểm khác biệt của trung tâm hành chính TP HCM với các tỉnh khác là bên cạnh các tòa nhà mới, thành phố sẽ giữ lại trụ sở UBND, HĐND thành phố hiện tại (86 Lê Thánh Tôn, quận 1).
0 Góp ý cho bài viết, Thêm bạn