Đủ loại... tắc ruột
Khoa Nội soi - Bệnh viện Nhi Trung ương mới đây đã tiếp nhận cháu H.A.L (5 tuổi, ở Tuyên Quang) trong tình trạng đau bụng, sờ thấy khối cứng trong ổ bụng. Trước đó, cháu L. đã được gia đình đưa đi khám tại một vài bệnh viện và được chẩn đoán là lách to, ung thư hạch. Tiến hành nội soi dạ dày bệnh nhi, các bác sĩ phát hiện 3 khối bã thức ăn chắc, cứng như sỏi, đường kính 4 - 6 cm, kèm theo loét dạ dày.
Qua thăm khám lâm sàng không phát hiệu dấu hiệu tắc ruột, các bác sĩ quyết định cho cháu L. uống Coca Cola để làm mềm bã thức ăn và tiếp tục theo dõi. Nội soi lần thứ hai (thực hiện sau 10 ngày) cho thấy một trong ba khối thức ăn đã vỡ đôi. Sau khi các bác sĩ tiến hành thủ thuật cắt nhỏ hoàn toàn các khối bã thức ăn bệnh nhi đã đại tiện ra rất nhiều chất bã cứng. Quan sát một phần bã thức ăn được lấy ra ngoài qua nội soi thấy nhiều mảnh xơ to và vỏ quả hồng đỏ.
Quả hồng chứa nhiều chất tannin.
Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cũng vừa phẫu thuật thành công cho một trường hợp bé trai 10 tuổi bị tắc ruột non do một khối hạt ổi lớn khoảng 10x5cm. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng kéo dài, bụng chướng to, nôn mửa, tiêu chảy ra máu. Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện đoạn gần cuối ruột non có một khối hình bầu dục bị tắc nên đã tiến hành phẫu thuật và lấy ra bên trong toàn bã ổi.
Bệnh viện Quân y 103 cũng từng phẫu thuật cho trường hợp cụ bà bị tắc ruột do ăn măng vịt, quả ngão, xơ mít chưa được nhai nát... Trước đó, Khoa Ngoại tiêu hóa (Bệnh viện Trung ương Huế) đã tiếp nhận 7 trường hợp bị tắc ruột do bã thức ăn mà nguyên nhân chính là do ăn quả hồng giòn.
“Thủ phạm” là thực phẩm chứa nhiều tannin
Các bệnh nhân nhập viện đều có chung triệu chứng đau bụng, buồn nôn, bí trung đại tiện. Qua siêu âm và nội soi, phát hiện bị tắc ruột do bã thức ăn và được tiến hành phẫu thuật. Nguyên nhân là do bệnh nhân đã ăn quá nhiều những thực phẩm có chứa nhiều tannin - chất xơ, chất gây chát như: ổi, hồng xiêm, sung, hồng giòn... Đây là những loại trái cây có chứa nhiều chất tannin nên khi ăn quả xanh hoặc độ chín chưa tới thường có vị chát. Tannin và pectin là những chất làm săn niêm mạc ruột, ảnh hưởng tới nhu động ruột. Ăn quá nhiều, nhất là lúc đói, các chất tannin - pectin cộng với hàm lượng chất xơ cao sẽ kết tụ dưới tác dụng của axit dạ dày khiến đầy bụng, khó tiêu, thậm chí còn có cảm giác buồn nôn, nôn mửa. Ăn nhiều sẽ vón lại tạo thành khối bã ở khu vực ruột non, dễ dẫn đến tắc ruột.
Bên cạnh đó, người có thói quen dùng quá nhiều măng, chè tươi và rau muống là những thực phẩm vốn rất nhiều sợi cellulose dài, không tan trong nước cũng dễ tích tụ và quyện vào nhau tạo thành u bã thức ăn, gây tắc ruột non. Những người có hệ tiêu hóa kém, trẻ em, người cao tuổi là những đối tượng dễ có nguy cơ tắc ruột. Ngoài ra, có thể gặp ở người hay bị táo bón, người ăn thức ăn cứng, dai như gân bò, sụn sườn nhưng nhai không kỹ hoặc ăn trái cây như sơ ri, vải, táo... mà nuốt luôn cả hạt. Thức ăn không được nhai kỹ, hạt trái cây khi vào đường tiêu hóa sẽ tạo thành nhân để những thực phẩm khó tiêu khác có nhiều xơ, sợi bám dính vào và vón lại thành nhiều cục, gây tắc ruột.
Tuy nhiên, tắc ruột do bã thức ăn không phải xảy ra liền sau khi ăn mà thường phải có một thời gian tích tụ trước đó nhiều ngày và làm vón cục trong quá trình tiêu hóa thức ăn, tạo thành phân.
Biến chứng vì điều trị muộn
Tắc ruột được phân làm hai loại: tắc hoàn toàn và tắc không hoàn toàn.
Bệnh nhân bị tắc ruột hoàn toàn bắt buộc phải phẫu thuật cấp cứu ngay để giải phóng nơi bị tắc càng sớm càng tốt.
Nếu tắc không hoàn toàn, trong một số trường hợp sự lưu thông trong ruột có thể tự thông thương lại. Người bệnh cần được theo dõi sát, ngừng ăn uống, truyền dịch dinh dưỡng, nghỉ ngơi để thông ruột và tầm soát tìm nguyên nhân gây tắc ruột không hoàn toàn để có hướng điều trị thích hợp, tránh tái phát về sau. Bệnh nhân phát hiện sớm có thể uống nước Coca Cola cũng có thể tan ra được. Khi không có dấu hiệu tự thông thương hoặc có biểu hiện bị biến chứng sẽ phải phẫu thuật.
Khi bị tắc, nếu khối bã thức ăn chỉ ở dạ dày, bệnh nhân có triệu chứng đau bụng từng cơn, đau vùng thượng vị, được phát hiện chủ yếu qua nội soi. Nếu xuống ruột sẽ gây tắc ruột với các triệu chứng đau bụng, nôn, bí, chướng. Chụp X-quang sẽ dễ dàng thấy. Bởi vậy khi thấy có bốn triệu chứng: đau, nôn, bí, chướng, mọi người nên đi kiểm tra để phát hiện kịp thời. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh dễ bị biến chứng hoại tử ruột, xoắn ruột, thủng ruột, thậm chí có thể nguy hiểm tính mạng.
Bác sĩ TƯỜNG VY
Lời khuyên của thầy thuốc
Để phòng tránh tắc ruột do bã thức ăn, nên uống đủ nước, ít nhất là 1,5-2 lít nước/ngày, tập thể dục đều đặn để ruột được kích thích, co bóp dễ dàng và lưu thông tốt. Khi ăn uống nên nấu chín, ninh nhừ thức ăn, nhất là cho trẻ nhỏ và người cao tuổi. Khi ăn cần nhai kỹ, không nên nuốt chửng.
Tránh ăn quá nhiều quả chát trong một thời gian ngắn. Trong dạ dày luôn có axit và hàm lượng axit trong dạ dày luôn nhiều nhất khi bụng đói. Nếu ăn hoa quả có nhiều pectin và nhựa lúc bụng đói dễ bị kết tủa làm kết dính các sợi xơ thực vật, tạo thành khối bã rắn chắc. Đặc biệt những người có tiền sử bệnh lý răng miệng, bệnh đường tiêu hóa hay đã phẫu thuật dạ dày, ruột... cần lưu ý.
0 Góp ý cho bài viết, Thêm bạn